Các khoản chi phí đất, xây dựng, lãi vay… khiến việc giảm giá bất động sản sơ cấp là rất khó, theo nhận định của chuyên gia.
Anh Quang, chủ một doanh nghiệp bất động sản tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết nhiều tháng qua hoạt động kinh doanh bất động sản diễn ra khá chậm. Do việc di chuyển hạn chế, nhà đầu tư không thể trực tiếp tới khảo sát và tham quan dự án.
“Khách hàng có tâm lý e dè, thận trọng hơn, nhất là khi mối lo ngại về tình hình dịch bệnh đang ngày càng gia tăng”, anh Quang nói.
Anh Minh, một môi giới hoạt động ở khu Nam và khu Đông TP HCM cũng cho biết tình hình thanh khoản bất động sản tại hai khu vực này kém sôi động, giao dịch hạn chế. Cơ quan, văn phòng công chứng đóng cửa nên cũng không thể ký kết hợp đồng.
Từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương có dấu hiệu chậm lại về thanh khoản. Theo dữ liệu của kênh thông tin bất động sản Vhome, từ ngày 27/4 đến nay lượng người quan tâm đến bất động sản trên toàn quốc giảm tới 48,8% so với các tháng trước. Trong đó, mức độ quan tâm đến bất động sản của người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội giảm 41,9%, TP HCM giảm 54,4%.
Tuy mức độ quan tâm đến bất động sản đã kém hơn những tháng trước, nhưng giá chào bán trên thị trường sơ cấp chưa có dấu hiệu giảm.
Ở thị trường Hà Nội, báo cáo của CBRE cho thấy, giá bán sơ cấp trong quý II trung bình ở mức 1.472 USD một m2, tăng 7% theo năm và 1% theo quý. Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình ở ngưỡng 1.180 USD một m2, tăng 4% theo năm. Các dự án trung cấp mới hoàn thiện, có vị trí thuận tiện như ở quận Hai Bà Trưng hay Bắc Từ Liêm ghi nhận mức tăng giá cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Một số dự án ghi nhận mức tăng 8-9% mỗi năm năm. Đơn vị này đánh giá giá bán sơ cấp trong hai năm tới dự kiến tăng trong khoảng từ 4-6%, cao hơn mức tăng của năm 2020 là 3% nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần cải thiện và nguồn cung mới không quá dồi dào như so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Cũng theo đơn vị này, tại TP HCM, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tăng ở tất cả phân khúc, đạt mức 2.260 USD mỗi m2, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc hạng sang và trung cấp ghi nhận mức tăng giá cao lần lượt là 9,2% và 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình tăng đáng kể do thiếu nguồn cung tại phân khúc trung cấp và phân khúc hạng sang đón nhận dòng sản phẩm căn hộ có thương hiệu (branded residence). Phân khúc cao cấp và bình dân có mức tăng giá nhẹ trong quý khảo sát, lần lượt là 0,4% và 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 8, báo cáo thị trường của DKRA Vietnam cho biết, giá bán sơ cấp ở hầu hết các dự án ở thị trường phía Nam không có nhiều thay đổi so với những đợt mở bán trước đó.
Đánh giá về thực trạng này, bà Võ Thị Khánh Trang – Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills TP HCM cho rằng, lượng tiền dự trữ trong dân vẫn tiếp tục tăng, có thể thấy rõ từ số lượng tài khoản chứng khoán mới mở, cũng như nhu cầu ngày một cao về sở hữu bất động sản nhà ở. Dù vậy, việc thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá bán căn hộ tăng.
Trong một talkshow trên VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Chủ tịch SREC Cafe Bất động sản cũng cho biết, từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản chuyển sang hình thái mới, có sự tăng giá cao ở mọi loại hình bất động sản. Làn sóng tăng giá này cũng lan rộng ra nhiều tỉnh thành.
“Dòng tiền đổ vào bất động sản vẫn lớn. Tháng 6,7, 8 dòng tiền đổ vào không mạnh như những tháng trước nhưng trên thị trường sơ cấp bất động sản không giảm giá. Đâu đó trên thị trường thứ cấp có hiện tượng giảm 2-3% nhưng chưa xuất hiện tình trạng bán tháo. Tôi cho rằng, 80% các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng các phương án trong 3-4 tháng tới”, ông Quang nói.
Theo tiến sĩ Trần Minh Hoàng Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tượng giá bất động sản vẫn giữ đà tăng bất chấp bối cảnh dịch bệnh không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn phổ biến ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Một trong những lý do là giai đoạn này các quốc gia đều tung ra các gói kích cầu lớn, trong đó có các chính sách tài khóa, lãi suất thấp… để thúc đẩy thị trường.
Savills cũng cho biết, trong nửa đầu năm nay, nhà ở toàn cầu ghi nhận sự hồi phục khả quan với mức tăng trưởng giá trung bình đạt 3,9% – mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016.
Bên cạnh các lý do kể trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng giá bất động sản còn chịu sự chi phối của các khoản chi phí đất, xây dựng, tài chính (lãi vay), quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận kỳ vọng. Theo đó, giá đất và giá xây dựng chiếm khoảng 70%, là hai chi phí doanh nghiệp không chủ động được, nên việc giảm giá bán bất động sản là rất khó.
Hoài Phong
Theo vnexpress