Một loại hình gọi vốn mới xuất hiện thu hút nhiều người, gửi từ 20 triệu đến 10 tỉ đồng cho doanh nghiệp để được chia lợi nhuận (tạm gọi là lãi suất) lên tới 92% trong 24 tháng.
Ngày 13-9, tại Văn phòng Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam; đặt tại số 54 Ngô Thị Thu Minh, quận Tân Bình, TP HCM), chúng tôi thấy hàng chục người tham dự buổi giới thiệu loại hình đầu tư tài chính do công ty này tổ chức. Nội dung chính của buổi giới thiệu là thông qua hình thức hợp tác kinh doanh, Công ty Nhật Nam mời chào khách hàng góp vốn để được hưởng lãi suất cao.
Tạo hấp dẫn bằng hình thức chi trả
Tại buổi giới thiệu, đại diện Công ty Nhật Nam khẳng định tài sản bảo đảm trả vốn và lãi cho người gửi tiền là chuỗi nhà hàng, tiệm karaoke, cà phê; nhiều quỹ đất có vị trí đắc địa tại Tây Ninh, Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nội, Buôn Ma Thuột… do công ty đứng tên với tổng giá trị hơn 800 tỉ đồng, trong đó có hàng trăm lô đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Theo phương thức góp vốn này, nhà đầu tư gửi tiền cho Công ty Nhật Nam từ 20 triệu đến 5 tỉ đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được hưởng lãi suất 20% (tương đương 10%/năm). Mỗi ngày, công ty sẽ chi trả vốn và lãi đều đặn cho người góp vốn trong suốt 24 tháng.
Mặt khác, người góp vốn còn được Công ty Nhật Nam cho xem đoạn video bà Vũ Thị Thúy – Chủ tịch HĐQT công ty – phát biểu trước hàng trăm nhà đầu tư vào cuối năm 2019. Theo đó, bà Thúy cho biết gần như toàn bộ tài sản của Công ty Nhật Nam là tài sản của cá nhân bà. “Sau khi thành lập công ty vài tháng (Công ty Nhật Nam được thành lập giữa năm 2019 – PV), tôi đã chuyển toàn bộ tài sản của mình cho công ty đứng tên. Với tư cách là chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của Công ty Nhật Nam, tôi khẳng định nhà đầu tư gửi tiền vào công ty là an toàn. Vì nếu Công ty Nhật Nam cố tình không trả vốn và lãi thì nhà nước sẽ xử lý các tài sản này để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Khi đó, tôi không những mất tất cả mà còn đối diện với những biện pháp trừng phạt của pháp luật” – bà Thúy nói.
Tiếp xúc chúng tôi, một cán bộ chủ chốt của Công ty Nhật Nam cho rằng nhà đầu tư được hưởng lãi suất 10%/năm là hợp lý bởi lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện chỉ khoảng 8%/năm. “Tuy nhiên, để kỷ niệm 1 năm thành lập văn phòng tại TP HCM, trong tháng 9-2020, công ty của tôi có tung ra chương trình ưu đãi cho người gửi tiền, thông tin cụ thể sẽ do nhân viên tư vấn cho nhà đầu tư” – người này cho biết.
Hứa tặng cả 100 m2 đất
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tiếp cận một người tên Hùng – nhân viên bán hàng của Công ty Nhật Nam. Chỉ tay vào bảng lãi suất, Hùng giải thích với số tiền hợp tác kinh doanh 100 triệu đồng, lãi suất 20%/24 tháng, mỗi ngày (không tính thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Tết), công ty sẽ chi trả cho nhà đầu tư 250.000 đồng. Như thế, sau 24 tháng, người gửi tiền nhận được 120 triệu đồng và đồng thời được tặng phiếu giảm giá mua bất động sản thuộc các dự án của công ty trị giá 100 triệu đồng.
Đặc biệt, từ nay đến cuối tháng 9 -2020, các nhà đầu tư tại khu vực TP HCM gửi tiền được hưởng lãi suất lên đến 92%/24 tháng nhưng không được tặng phiếu giảm giá mua bất động sản. Khi đó, với người góp vốn 100 triệu đồng, mỗi ngày công ty chi trả cho nhà đầu tư 400.000 đồng. Tính ra, sau 24 tháng, người góp vốn nhận được 192 triệu đồng. Còn đối với người góp vốn từ 1-10 tỉ đồng thì được lợi nhuận cao hơn, như được tặng sổ đỏ lô đất 100 m2, đồng thời trở thành cổ đông và được chia cổ tức hằng tháng.
“Chính sách ưu đãi này chỉ giới hạn cho 50 suất đầu tư và hiện chỉ còn 3 suất nên anh cần sớm tìm hiểu kỹ hoạt động, thông tin về các dự án tiềm năng của công ty để ký hợp đồng, nếu không sẽ lỡ mất cơ hội sinh lời cao” – Hùng cố thuyết phục.
Thấy chúng tôi chần chừ và băn khoăn về việc Công ty Nhật Nam lấy tiền đâu để trả lãi cho người gửi, Hùng giải thích đây không phải là đơn vị huy động vốn theo mô hình tiền gửi đa cấp lấy tiền của người gửi trước trả cho người gửi sau. Công ty Nhật Nam kêu gọi mọi người góp vốn để triển khai các hoạt động đầu tư, xây dựng thương hiệu, tạo lập đội ngũ nhà đầu tư cùng với công ty xây dựng các dự án nhà đất. Sau 24 tháng, các dự án này sẽ đi vào hoàn thiện, thương hiệu Nhật Nam sẽ có vị thế trên thị trường. Khi đó, công ty bán bất động sản thu về lợi nhuận, bù đắp cho những chi phí đã trả cho nhà đầu tư.
Tiếp đến, Hùng đưa cho chúng tôi xem hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được bà Vũ Thị Thúy ký sẵn. Theo đó, người góp vốn chỉ cần điền danh tính, số tiền đầu tư và ký nhận là xong.
Một trong những điều khoản quan trọng của hợp đồng là nhà đầu tư đồng ý cho Công ty Nhật Nam cứ 6 tháng 1 lần điều chỉnh thanh toán lợi nhuận và hoàn trả vốn gốc còn lại bằng bất động sản hoặc bất động sản hình thành trong tương lai. Còn trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng hợp đồng cho người khác phải thanh toán cho Công ty Nhật Nam 10% số tiền tham gia đầu tư. Riêng nhà đầu tư rút vốn trước hạn thì phải hoàn trả lại toàn bộ lợi nhuận đã nhận được và nộp phạt 30% số vốn đầu tư…
Huy động vốn bất thường
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Dũng (Đoàn Luật sư TP HCM và đang công tác trong ngành ngân hàng) nhận định phương thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam là khá bất thường. Bởi lẽ, trong 2 năm, nhất là khi diễn biến dịch bệnh còn khó lường, doanh nghiệp gần như không thể thu về lợi nhuận hơn 92%/24 tháng để chi trả cho người gửi.
Nghiên cứu cách thức huy động vốn, lãi suất và nội dung hợp đồng của Công ty Nhật Nam, luật sư Phạm Đức (Công ty Luật Quốc tế và Công sự) khuyến cáo nhà đầu tư suy nghĩ, tìm hiểu kỹ hoạt động của Công ty Nhật Nam vì nếu chẳng may công ty này kinh doanh không có lãi hoặc gặp khó khăn không trả được vốn, các cơ quan chức năng rất khó phân xử. Hậu quả đầu tiên là nhà đầu tư sẽ mất tiền lãi vì theo nguyên tắc của hợp đồng hợp tác kinh doanh là các thỏa thuận dân sự, doanh nghiệp kinh doanh không có lợi nhuận thì không chia lợi nhuận cho người hợp tác.
“Trong khi đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh không có điều khoản nào quy định trường hợp kinh doanh thua lỗ, Công ty Nhật Nam cũng phải hoàn trả vốn cho nhà đầu tư. Như thế, người gửi tiền sẽ có nguy cơ không thu hồi đủ số vốn, thậm chí mất trắng” – luật sư Phạm Đức phân tích