Nhà điều hành đang đề xuất, khi vay tại ngân hàng thương mại để mua, thuê mua nhà xã hội, người dân sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi như hiện nay.
Đề xuất trên được nêu trong dự thảo sửa đổi Thông tư 25 Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến. Theo đó, khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc thay đổi nhằm áp dụng đúng quy định về vấn đề này. Thực tế, chính sách hỗ trợ vay vốn cho nhà ở xã hội được quy định tại 3 văn bản pháp luật gồm: Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49 về phát triển, quản lý nhà ở xã hội nhưng không có sự thống nhất.
Trong đó, Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; Còn các ngân hàng thương mại được chỉ định – chỉ hỗ trợ khách vay để xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Nghị định 100 và Nghị định 49 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 100) về phát triển, quản lý nhà ở xã hội lại quy định ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, văn bản nào có tính pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Do vậy, với tình huống này phải áp dụng Luật Nhà ở, tức là các ngân hàng thương mại chỉ hỗ trợ vay xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở. Còn nếu muốn vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, người vay cần tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hiện nay, bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội, một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, LienVietPost Bank, VIB, ACB… Mỗi năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và huy động thêm 50% từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở. Các ngân hàng thương mại tự huy động 100% vốn để cho vay và được cấp bù một phần lãi suất.
Quy định thì có nhưng trên thực tế, theo phản ánh của Hiệp hội bất động sản, nhiều năm qua người dân không dễ tiếp cận nguồn vốn rẻ này, chủ yếu do ách tắc nguồn vốn bố trí từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay cũng không thống nhất.
Một điểm mới khác trong dự thảo là đề xuất hạn mức tối đa cho khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán, không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra hạn mức về tỷ lệ phần trăm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở sẽ do cơ quan này xác định, công bố trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.
Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 25 năm, kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Như vậy, thời hạn trả nợ được đề xuất kéo dài thêm 10 năm so với quy định hiện hành.
Theo vnexpress