Pháp lý bất động sản luôn là một trong những vấn đề cốt lõi trong tất cả các giao dịch nhà đất. Bởi nhiều tranh chấp liên quan đến đất đai nhà ở xuất phát từ việc không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, trong đó phải kể đến thủ tục công chứng/chứng thực Hợp đồng. Bài viết sau đây sẽ giúp cho anh chị nắm rõ hơn về các giao dịch quyền sử dụng đất, nhà ở có bắt buộc công chứng/chứng thực hay không?
TRƯỜNG HỢP KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI CÔNG CHỨNG/CHỨNG THỰC ĐỐI VỚI CÁC GIAO DỊCH VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ NHÀ Ở
Khi xác lập Hợp đồng trong những giao dịch sau đây, thì anh chị không cần phải công chứng/chứng thực hợp đồng này:
- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
Ví dụ: Bà A có miếng đất. Bà A ký hợp đồng với ông B cho thuê toàn bộ hoặc một phần miếng đất của mình.
- Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Ví dụ: Ông C có một thửa đất nông nghiệp, Ông D cũng có một thửa đất nông nghiệp, nay hai Ông ký Hợp đồng, đổi hai thửa đất này cho nhau
- Để thừa kế quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông G có một thửa đất, Ông G lập di chúc để lại thửa đất này cho con Ông G – Thì Di chúc này không bắt buộc phải Công chứng hay Chứng thực! (Trường hợp Ông G không biết chữ hoặc có hạn chế thể chất như mù, câm, điếc, thì Di chúc mới bắt buộc phải Công chứng hay Chứng thực)
- Hợp đồng chuyển nhượng (mua đất) của Công ty kinh doanh bất động sản
Ví dụ: Công ty kinh doanh bất động sản AP, ký Hợp đồng chuyển nhượng một lô đất của mình cho Ông L
- Hợp đồng đặt cọc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông A ký một bản hợp đồng đặt cọc mua đất của bà N
- Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở đối với nhà ở hình thành trong tương lai chưa nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở đến cơ quan có thẩm quyền
Ví dụ: Ông M ký văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua căn hộ ở Vinhomes Grand Park (chưa được cấp sổ hồng) cho bà Q thì văn bản này không cần phải công chứng/chứng thực nhưng cần phải có xác nhận của chủ đầu tư vào văn bản này.
- Mua bán nhà ở hình thành trong tương lai: không bắt buộc phải công chứng,chứng thực.
Ví dụ: ông A mua căn hộ Vinhomes Grand Park phân khu Origami
TRƯỜNG HỢP BẮT BUỘC PHẢI CÔNG CHỨNG/CHỨNG THỰC ĐỐI VỚI GIAO DỊCH QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
- Chuyển nhượng (Mua bán) quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông M có một thửa đất, nay Ông M ký Hợp đồng chuyển nhượng (Bán) cho Bà N toàn bộ hoặc một phần thửa đất này
- Tặng cho quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông G có một thửa đất, nay Ông G ký Hợp đồng tặng cho Ông P toàn bộ hoặc một phần thửa đất này
- Thế chấp quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông Y có một thửa đất, nay Ông Y ký Hợp đồng thế chấp cho Ông X toàn bộ hoặc một phần thửa đất này
- Góp vốn quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông R có một thửa đất, nay Ông R ký Hợp đồng góp vốn vào Công ty J toàn bộ hoặc một phần thửa đất này
Lưu ý:
- Có những giao dịch pháp luật quy định không bắt buộc phải công chứngg/chứng thực nhưng nếu có nhu cầu, anh chị cũng có thể đi công chứng/chứng thực những hợp đồng này.
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp bắt buộc phải công chứng/chứng thực là thời điểm công chứng/chứng thức. Đối với trường hợp không bắt buộc phải công chứng/chứng thực thì thời điểm các bên ký kết hợp đồng là thời điểm hợp đồng có hiệu lực thi hành.
Ví dụ: ông A ký Hợp đồng cho ông B thuê toàn bộ thửa đất của mình. Hợp đồng này không bắt buộc phải công chứng/chứng thực. Vậy thì thời điểm hợp đồng có hiệu lực là thời điểm ông A ký hợp đồng thuê đất với ông B.
Hi vọng qua những vấn đề pháp lý trên sẽ giúp cho anh chị có thêm nhiều kiến thức khi thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà đất để bảo vệ quyền lợi của chính mình.