5/5 - (1 bình chọn)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, Vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng rất cần hệ thống đường cao tốc kết nối để tạo ra động lực mới cho phát triển.

Cao tốc góp phần phát triển mạnh kinh tế – xã hội

Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết so với cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp đến 45% GDP và 40% thu ngân sách, trong đó 4 địa phương trong vùng có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng biển quốc tế lớn nhất với khối lượng vận tải biển chiếm 40% của cả nước.

Ngoài cảng biển, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là trung tâm du lịch biển, đảo, đánh bắt và chế biến hải sản, khai thác dầu khí… lớn hàng đầu cả nước và có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những tỉnh có lợi thế phát triển các ngành Kinh tế biển, trong đó, cảng biển và du lịch là 2 trong 4 trụ cột kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định.

Với lợi thế tự nhiên là một trong 21 cảng biển nước sâu tốt nhất thế giới, đến năm 2025 khi sân bay quốc tế Long Thành được đưa vào hoạt động cùng với cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (có tốc độ tăng trưởng hơn 20% năm trong 2 năm gần đây) là cơ hội không chỉ tạo ra sự kết nối liên vùng trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng mà còn tạo ra sự kết nối đa phương thức giữa đường biển, đường thủy, đường hàng không, đường bộ, kể cả đường sắt. Do đó, vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng rất cần hệ thống đường cao tốc kết nối để tạo ra động lực mới cho phát triển.

“Với vai trò là thành viên tích cực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó lấy sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là trọng tâm phát triển, cụ thể như: Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường Vành đai 4 nhằm kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải”, Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị.

Mong muốn đầu tư nhanh

Theo quy hoạch, đến thời điểm này, cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đã phải được xây dựng và đưa vào khai thác, tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện dự án này mới được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư. Cụ thể, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 326 ngày 1/3/2016 về quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020.

Cuối năm 2019 đã có những bước đi đầu tiên để hình thành dự án. Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đơn vị tư vấn đã có buổi báo cáo về việc đầu tư dự án với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tháng 10/2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có tờ trình gửi Thủ tướng bổ sung một số nội dung về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 19,5km. Điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai thành phố Bà Rịa (Quốc lộ 56). Đây là tuyến cao tốc loại A, có quy mô 4 – 6 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 – 34,5m tùy theo từng đoạn. Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 là 19.012 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 9.115 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 5.985 tỷ đồng.

Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Thượng Chí – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết đầu tư tuyến cao tốc là quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh, bởi hiện kết nối giao thông nội vùng của tỉnh là khá tốt nhưng giao thông kết nối giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh khác bằng 3 tuyến đường là Quốc lộ 51, Quốc lộ 55 và Quốc lộ 56. Tuy nhiên, chủ yếu bằng tuyến Quốc lộ 51 nhưng hiện nay tuyến này luôn kẹt xe, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

“Sắp tới đây khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành được đấu nối vào Quốc lộ 51 và đến năm 2025, khi sân bay Long Thành khả năng cao là sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1, nếu lúc đó chưa hình thành được tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu thì chuyện sẽ sảy ra ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng trên Quốc lộ 51 này là đương nhiên. Mà khi đó ngành Du lịch sẽ ảnh hưởng mạnh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế – xã hội”, ông Chí chia sẻ.

Để triển khai tuyến cao tốc này, ông Chí cũng cho biết tỉnh quyết tâm kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ và Quốc hội cho phép bố trí vốn để thực hiện dự án theo hình thức đầu tư PPP.3442 image003 1

Quốc lộ 51 quá tải ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội

Theo ông Đinh Hồng Hà – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) – đơn vị đang khai thác tuyến Quốc lộ 51, tuyến đường này được đưa vào khai thác từ tháng 4/2013, theo thiết kế là 12 ngàn lượt xe/ngày đêm, tuy nhiên, hiện lưu lượng xe đã tăng gấp 3 lần lên 33 ngàn lượt xe/ngày đêm, thậm chí Lễ Tết lên đến 48 ngàn lượt, dẫn đến tăng áp lực giao thông và kẹt xe thường xuyên.

Ùn tắc là vậy, tuy nhiên theo ông Hà tuyến Quốc lộ này hiện đầu tư mở rộng cũng không khả thi vì không thể đền bù giải toả, vì đến thời điểm này, nhà cửa đã “mọc” lên dọc theo tuyến đường.

“Đúng ra, đến thời điểm này thì cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đã được đưa vào khai thác sử dụng thì nó sẽ chia sẻ áp lực cho tuyến Quốc lộ 51, không có nó nên Quốc lộ 51 mới bị mãn tải trước kế hoạch, gây áp lực lớn cho giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển từ các hướng đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, còn phương án mở rộng thì thật sự không khả thi chút nào vì tình trạng đô thị hoá dọc tuyến đường đã có từ rất lâu”.

Theo nguồn tin riêng của Báo điện tử Xây dựng, hiện BVEC đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải 1 loạt giải pháp giảm ùn tắc, chống kẹt xe và giảm tai nạn trên tuyến Quốc lộ 51, như đề xuất xây dựng hàng loạt nút giao khác mức chống ùn tắc, thay biển báo giảm tai nạn…

Khu vực miền Đông Nam bộ có đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia, đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh mạnh về dầu khí, là căn cứ địa của ngành Dầu khí, có hệ thống cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có ngành Du lịch biển nổi tiếng, có hệ thống Khu công nghiệp nằm trong top của cả nước… nếu tuyến cao tốc được triển khai nhanh sẽ khai thác tối đa cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và các Khu công nghiệp dọc tuyến, cũng như kết nối thông suốt với Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…